REVIEW SÁCH HAY: GIÁO TRÌNH VĂN HÓA ẨM THỰC TRONG KINH DOANH DU LỊCH

  • 03/04/2024
  • 477

Giáo trình Văn hóa ẩm thực trong kinh doanh du lịch là tài liệu được biên soạn nhằm giúp người học có thêm tư liệu để học tập, nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa ẩm thực. Ở nhiều trường đại học, Văn hóa ẩm thực trong kinh doanh du lịch được xem là một trong những học phần chính bắt buộc dạy ở nhiều ngành học. Tại Khoa Du lịch, trường Đại học Văn Hiến, học phần này được giảng dạy ở cả ba ngành hiện đang đào tạo ở Khoa, đó là: Du lịch, Quản trị Dịch vụ Du lịch Lữ hành và Quản trị Khách sạn.


Văn hóa Ẩm thực trong Kinh doanh Du lịch là một giáo trình hay và bổ ích, không chỉ dành cho những người học ngành du lịch mà còn nâng cao giá trị cho người học các ngành Văn hóa học, Việt Nam học. Giáo trình thật sự hữu ích cho người cần học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa ẩm thực nói chung.

Giáo trình Văn hóa Ẩm thực trong Kinh doanh Du lịch được chia thành 4 Phần với 6 Chương. Đầu mỗi chương, có nêu mục tiêu chương để người học chú ý các kiến thức trọng tâm. Cuối chương có tóm lược các nội dung, thêm hệ thống các câu hỏi sau cùng, giúp người đọc củng cố kiến thức ôn tập hiệu quả.

Phần 1, có hai chương gồm chương Mở đầu và Chương 1.

Nội dung phần này cung cấp các cơ sở lý luận về văn hóa ẩm thực như: Khái niệm về văn hóa, định nghĩa văn hóa, đặc trưng văn hóa, khái niệm ẩm thực, chức năng ẩm thực….

Các khái niệm này giúp người học hiểu và nắm được các đặc trưng cơ bản của văn hóa, ẩm thực, văn hóa ẩm thực, các chức năng của ẩm thực, chức năng văn hóa ẩm thực. Người học còn được biết thêm về vai trò, đặc trưng của văn hóa ẩm thực xuất phát từ tâm lý và sinh lý.

Phần 2 có 3 chương gồm: Chương 2. Ẩm thực và văn hóa ẩm thực khu vực Châu Á; Chương 3. Ẩm thực và văn hóa ẩm thực khu vực Châu Âu và Châu Mỹ và Chương 4. Phong tục tập quán và khẩu vị ăn uống các nước trên thế giới.

Chương 2, cung cấp cho người học hiểu các khái niệm ăn uống, khẩu vị ăn uống mang nét chung của các dân tộc ở Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Phân biệt được sự khác nhau về tập quán ăn uống và khẩu vị giữa một số quốc gia Châu Á.   

Chương 3, cơ bản về tập quán, khẩu vị ăn uống chung của các nước khu vực Châu Âu, Châu Mỹ cụ thể như Pháp, Anh, Đức, Nga, Ý, Mỹ, Canada…. Những đặc trưng cơ bản của văn hóa ẩm thực bình dân và nổi tiếng. Sự khác biệt của tập quán và khẩu vị giữa các quốc gia Âu Mỹ đặc biệt về cơ cấu bữa ăn, phong cách chế biến, sử dụng dụng cụ ăn, thuật giao tiếp ứng xử khi dùng bữa…

Chương 4, khái quát cho người học về tính chất, cơ cấu một bữa ăn thường, bữa ăn đặc biệt. Các yếu tố ảnh hưởng đến tập quán và khẩu vị ăn uống có tác động về địa lý và khí hậu, lịch sử và văn hóa, tôn giáo và nghề nghiệp. Đặc biệt, là tập quán và khẩu vị ăn uống của đạo Hồi, Hindu, Phật, Cơ đốc, Do thái…

Phần 3 có Chương 5. Nhóm biên soạn dành trọn chương 5 để nói về ẩm thực và văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Đi sâu vào nội dung, người học có thể hiểu tường tận về tập quán và văn hóa ẩm thực Việt Nam dựa trên các điều kiện tự nhiên, văn hóa, kinh tế, xã hội. Hiểu được đặc tính ẩm thực Việt Nam về sự phong phú đa dạng của nguyên liệu, về phương pháp chế biến các món ăn. Phân biệt được ẩm thực giữa các miền Bắc, Trung, Nam và thấy được nét tinh tế của ẩm thực dân gian và ẩm thực cung đình.

Phần 4 có Chương 6. Chương 6 là chương cuối của giáo trình nên Nhóm biên soạn đặc biệt nói về vai trò của ẩm thực trong kinh doanh du lịch. Cụ thể là các hoạt động ẩm thực trong kinh doanh lưu trú, kinh doanh nhà hàng, kinh doanh điểm vui chơi giải trí. Cách thức trải nghiệm và thưởng thức văn hóa ẩm thực ở đại yến tiệc, trên các tour và chương trình du lịch.

Về tác giả:

Giáo trình được biên soạn bởi nhóm tác giả là giảng viên của Khoa Du lịch, đại học Văn Hiến. Chủ biên là tiến sĩ Trần Thị Thu Trang người có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu giảng dạy và kinh doanh du lịch. Năm thành viên còn lại đều là những người thực tế với nghề nghiệp như vừa là giảng dạy vừa điều hành doanh nghiệp du lịch hoặc là quản lý cho các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng lớn. Chính vì vậy, Giáo trình Văn hóa Ẩm thực trong Kinh doanh Du lịch được nghiên cứu biên soạn và rút tỉa kinh nghiệm từ thực tiễn. Toàn bộ giáo trình có 268 trang, in khổ 16 x 24 cm, rất vừa tay khi cầm đọc.

Sách hiện có phân phối tại Lầu 2 Khu C, Trung tâm Học Liệu, HungHau Campus. 

  • Trường Đại học Văn Hiến