Góc nhìn Của PGS.TS Phạm Vũ Phi Hổ về triết lý giáo dục "Thành nhân trước khi thành danh"

  • 22/08/2017
  • 4540

PGS.TS Phạm Vũ Phi Hổ*

Với triết lý đào tạo “Thành nhân trước khi thành danh” Đại học Văn Hiến đã và đang nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa phương châm trên trong chương trình dạy và học. Tuy nhiên vẫn còn nhiều cách hiểu xoay quanh triết lý “Thành nhân trước khi thành danh”. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày một số quan điểm cá nhân về câu nói trên với mong muốn làm cho vấn đề trở nên rõ ràng hơn.

Triết lý giáo dục của trường Đại học Văn Hiến "Thành nhân trước khi thành danh"

Trước hết, tôi sẽ định nghĩa như thế nào là “thành nhân”. “Nhân” theo tiếng Hán là người. “thành” là trở nên trọn vẹn. Như vậy “thành nhân” có nghĩa là “trở nên một con người trọn vẹn” hay nói cách khác là “nên người”. Vậy thế nào là một con người được trở nên trọn vẹn? hay “nên người”?

Nhìn vào quá trình phát triển của một người, t khi sinh ra đến khi trưởng thành. Có người đạt được thành công, có người gặp toàn thất bại. Vậy có phải thành công mới là nên người, còn thất bại là chưa nên người? Nếu vội vàng kết luận là phải, thì chắc chắn người trả lời chưa hiểu rõ cụm từ “nên người” là gì. Nhưng nếu trả lời là không, cũng chưa chắc đã hoàn toàn đúng. Bởi vì, một con người được coi là “nên người”, “trở nên trọn vẹn” không có nghĩa là lúc nào cũng phải thành công hay thất bại, mà còn phải dựa vào rất nhiều yếu tố.

Dân gian có câu “thất bại là mẹ của thành công”. Như vậy đôi khi thất bại là điều kiện giúp người ta “nên người”, còn sự thành công thì chưa chắc. Một người mà đạt được thành công quá sớm, chỉ biết say mê trong chiến thắng, coi thường người khác không bằng mình, không biết cảm thông chia sẻ, chỉ biết miệt thị người khác v.v. thì chẳng đời nào họ được liệt vào danh sách những kẻ “nên người”.

Còn một ai đó khi rơi vào cảnh thất bại, biết nhìn nhận những yếu điểm của mình, tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá khách quan, rút ra bài học xương máu, tích lũy kinh nghiệm để khắc phục cho các lần sau… thì người đó sẽ trưởng thành hơn, điềm tĩnh hơn, kiên nhẫn hơn, bao dung hơn, biết sống cảm thông hơn và được nhiều người quý mến hơn. Nhưng nếu chỉ được mọi người quý mến thì có được xem là đã “nên người”? “trở nên trọn vẹn”? Theo tôi, vẫn chưa đủ. Vậy sự “nên người” là gì?

Ngoài những đức tính kể trên, để “thành nhân”, “nên người” mỗi người còn cần phải biết có trách nhiệm với bản thân và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Một ngườikhông có trách nhiệm với chính bản thân mình thì làm sao có thể trông mong người đó sẽ có trách nhiệm với người khác. Nếu một ai đó, luôn có trách nhiệm với bản thân mình thì sẽ luôn trăn trở cho tương lai của mình. Do đó, làm bất cứ thứ gì họ cũng sẽ làm hết mình, làm thật tốt. Họ cảm thấy mình cần có trách nhiệm đóng góp và đem lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng, cho người khác. Họ gắn trách nhiệm của mình với trách nhiệm của cộng đồng, mong muốn cộng đồng của mình cùng phát triển.


Để “thành nhân”, “nên người” mỗi người còn cần phải biết có trách nhiệm với bản thân và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội

Như vy, “nên người” được xem là những người đã trưởng thành, những con người chín chắn, kiên nhẫn, bao dung, biết nghĩ cho bản thân và người khác, tự chịu trách nhiệm về chính mình, về cuộc đời của mình, chịu trách nhiệm với cộng đồng nơi mình sinh sống và làm việc. Do đó, thành nhân” cũng có thể được hiểu là một người có đủ phẩm chất đạo đức, biết chịu trách nhiệm về bản thân mình đồng thời có trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội.

Thế còn thành danh” thì sao? “Thành danh” có phải là thành công là thành người có danh vọng, thành đạt… hay không? Theo một khía cạnh nào đó, câu hỏi này cũng chính là câu trả lời rồi. Tuy nhiên, tôi xin đưa ra một định nghĩa khác xét trong ngữ cảnh triết lý đào tạo của trường Đại học Văn Hiến. Theo tôi, người “thành danh” làngười tự chủ, hiểu về chính bản thân mình, tự tin vào khả năng của mình và biết chủ động trong việc lập nghiệp. Trong bối cảnh đào tạo Đại học, đối với những bạn sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, trong công việc thì đạt được những thành tựu để “thành công”, “thành đạt hay có “danh vọng” là điều không dễ đo lường. Còn đưa ra được một mốc thời gian ước chừng trong bao lâu thì là một câu chuyện rất dài. Do đó, những từ được dùng để định nghĩa về thành danh như “danh vọng”, “thành đạt” là rất khó khẳng định. Vậy những từ này nên tạm thời gác lại.

Nhưng nếu gác lại những thuật ngữ vừa rồi thì làm sao có thể đo lường được sự “thành danh” đối với sinh viên trong suốt quá trình đào tạo 4 năm Đại học?

Tương lai của một con người được đánh giá là thành danh hay không tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố cấu thành nên con người đó, trong đó, chắc chắn phải có yếu tố “thành nhân”, có nghĩa là “trở nên con người trọn vẹn”. Bởi vì một con người, nếu không thành nhân, không nên người, thì danh cũng không thể thành. Vì danh, được hiểu là danh tiếng, tên tuổi, liên quan rất nhiều đến khía cạnh “nên người”. Nhưng nếu sống trên đời này mà chúng ta chỉ trở thành con người tốt thôi cũng chưa đủ, bời vì mình không thể chỉ sống cho riêng mình mà còn sống cho những người khác nữa, những người xung quanh mình, và cả những người thân thương của mình.

Do vậy, theo một nghĩa nào đó, “thành nhân” có thể được xem là điều kiện cần, còn “thành danh” được xem là điều kiện đủ. Vậy những yếu tố nào có thể dùng để đo lườngphán đoán hay nhận định sự thành danh của một con người?

Tương lai của một con người được đánh giá là thành danh hay không tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố cấu thành nên con người đó

Tôi xin nhắc lại định nghĩa của mình một lần nữa, “thành danh” là người “thành nhân”, tự chủ, hiểu chính mình, tự tin vào khả năng của mình và biết chủ động trong việc lập nghiệp.

Khi một người được đào tạo theo định hướng tốt, biết tự chủ trong những lựa chọn của mình, tự tin vào năng lực của mình, chủ động trong việc lập nghiệp, biết định hướng cho công việc tương lai của mình, sự nghiệp của mình, thì chắc chắn, con đường “thành danh” của họ sẽ thu ngắn lại rất nhiều. Theo tôi, chỉ cần dựa vào những yếu tố này, chúng ta cũng có thể nhận định được thế nào là người “thành danh”. Đúng như triết lý đào tạo mà trường Đại học Văn Hiến luôn hướng tới “Thành nhân trước khi thành danh”.

* Giám đốc điều hành Phụ trách Thường trực & Đối ngoại trường Đại học Văn Hiến.