REVIEW SÁCH HAY: KINH TẾ VI MÔ

  • 24/04/2024
  • 127

KINH TẾ VI MÔ

 

Kinh tế vi mô là một nhánh quan trọng và cơ bản trong kinh tế học, nghiên cứu các thành phần riêng lẻ của kinh tế. Quyển sách này, giúp người đọc hiểu được cách ra quyết định của doanh nghiệp và người tiêu dùng, biết ứng dụng linh hoạt kiến thức này vào thực tế đời sống. Từ đó, có cách thức tốt nhất để giải quyết và mang lại lợi ích tối ưu trong việc sử dụng các nguồn lực của bản thân.

Việc tự nghiên cứu kinh tế học cụ thể là kinh tế vi mô hiện nay vẫn là một khó khăn đối với người mới tiếp cận, nguyên do là người đọc chưa thấu hiểu được những vấn đề lý thuyết mang tính hàn lâm và trừu tượng. Ở quyển sách này, Nhóm biên soạn đã diễn giải các vấn đề của kinh tế vi mô bằng văn phong đơn giản, gần gũi, giúp người đọc dễ nắm bắt khi tiếp cận. Hơn nữa, việc sắp xếp, trình bày các nội dung theo từng chương khá logic, các ví dụ cụ thể, thực tế, kèm theo là các đồ thị minh họa nội dung rõ ràng, điều đó giúp mang lại hứng thú cho người đọc khi tham khảo sách. Phần bài tập gồm trắc nghiệm, tự luận và các câu hỏi được biên soạn từ đơn giản đến phức tạp giúp người đọc không gặp khó khăn trong việc nắm bắt các nội dung trọng tâm sau mỗi chương sách.  

Với những ý nghĩ đó, giáo trình Kinh tế vi mô được phân chia thành 12 chương với những nội dung cụ thể như sau:  

Chương 1. Những vấn đề chung về kinh tế học

Chương này cung cấp những kiến thức cơ bản về kinh tế học, giúp người học hiểu được sự khác nhau giữa kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô, giữa kinh tế học thực chứng với kinh tế học chuẩn tắc. Mô hình sơ đồ chu chuyển nền kinh tế cung cấp kiến thức cơ bản về sự vận hành của nền kinh tế với hai đối tượng chính là doanh nghiệp và hộ gia đình. 

Chương 2.  Cung, cầu và giá cả thị trường

Chương 2 cung cấp những nội dung cơ bản của cung và cầu. Từ những kiến thức cung và cầu chúng ta sẽ hiểu giá cả hàng hóa hình thành trên thị trường như thế nào qua việc phân tích về cơ chế thị trường. Chúng ta cũng sẽ hiểu được trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì nguồn lực của xã hội được phân bố hiệu quả nhất và cách thức mà nguồn lực phân bổ trong thị trường dựa vào việc phân tích trạng thái cân bằng thị trường. 

Chương 3. Hệ số co giãn và ứng dụng

Chương này gồm hai nội dung: hệ số co giãn cầu và độ co giãn của cung theo giá.

Có ba loại co giãn của cầu: co giãn của cầu theo giá, co giãn của cầu theo thu nhập và co giãn chéo. Còn độ co giãn của cung theo giá là một hàng hóa đo lường mức độ phản ứng của nhà sản xuất khi giá của chính hàng hóa đó thay đổi.       

Chương 4. Cung cầu và chính sách của chính phủ

Chương này có các nội dung chính: Thặng dư tiêu dùng và thặng dư sản xuất, giá trần, giá sàn và thuế. Nội dung trong chương giúp chúng ta hiểu thế nào là thăng dư tiêu dùng và thế nào là thặng dư sản xuất. Mối liên hệ giũa thặng dư tiêu dùng và thặng dư sản xuất với độ co giãn của cầu và cung trên thị trường. Ngoài ra, người đọc cũng sẽ được tìm hiểu các chính sách chính phủ can thiệp vào thị trường như: giá trần, giá sàn và thuế hay trợ cấp và tại sao chính phủ lại cần phải can thiệp vào thị trường với các chính sách trên.

Chương 5. Lý thuyết về sự lựa chọn của người tiêu dùng

Chương 5 giới thiệu những kiến thức về chỉ tiêu đo lường lợi ích, tìm hiểu sự thay đổi của lợi ích. Chúng ta cũng sử dụng mô hình đường ngân sách để định lượng thu nhập của người tiêu dùng qua số lượng hàng hóa họ có thể mua. Ngoài ra, còn hiểu được khi giá cả hàng hóa thay đổi hoặc thu nhập thay đổi thì sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sự lựa chọn tối ưu của người tiêu dùng.  

Chương 6. Lý thuyết về sự lựa chọn của nhà sản xuất

 Chương này có các nội dung sau: sản xuất và các nguồn lực sản xuất, sản xuất trong ngắn hạn, sự lựa chọn tối ưu của người sản xuất trong các điều kiện ràng buộc và độ co giãn của sản xuất. Nội dung chương sẽ phân tích sự thay đổi quy mô sản xuất tác động như thế nào tới sản lượng và chi phí, trong trường hợp nào các doanh nghiệp nên mở rộng quy mô sản xuất.

Chương 7. Lý thuyết chi phí sản xuất

Trong chương 7, nghiên cứu về các loại chi phí trong sản xuất, giải thích và tính toán các loại chi phí, phân biệt chi phí kinh tế với chi phí kế toán. Qua đó, chúng ta cũng hiểu được ý nghĩa của việc đánh giá chi phí kinh tế. Ngoài ra, người đọc cũng sẽ hiểu được các khái niệm chi phí biên, chi phí trung bình, chi phí biến đổi trung bình và mối quan hệ giữa chúng.  

Chương 8. Thị trường cạnh tranh hoàn toàn

Chương này cung cấp cho người đọc hiểu rõ các đặc điểm của thị trường cạnh tranh hoàn toàn, thế nào là tối đa hóa lợi nhuận. Hiểu được ý nghĩa quyết định cung của doanh nghiệp trong ngắn hạn và quyết định cung của doanh nghiệp trong dài hạn, cung thị trường và cân bằng thị trường. Ngoài ra, chúng ta còn được hiểu rõ khái niệm thặng dư sản xuất là gì, thặng dư của doanh nghiệp sản xuất và của ngành.

Chương 9. Thị trường độc quyền bán

Chương 9 mang lại cho chúng ta hiểu biết về đặc điểm của thị trường độc quyền bán là như thế nào. Các quyết định sản xuất của doanh nghiệp độc quyền trong ngắn hạn, quyết định sản xuất của doanh nghiệp độc quyền trong dài hạn. Như thế nào là chiến lược phân biệt giá của một doanh nghiệp độc quyền, những tổn thất và phúc lợi do độc quyền và sau cùng là các chính sách công cộng và tác động đối với thị trường độc quyền.

Chương 10. Thị trường cạnh tranh

Nội dung chương này trình bày các đặc điểm của thị trường cạnh tranh độc quyền, quyết định của doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền trong ngắn hạn và quyết định của doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền trong dài hạn cũng như hiệu quả của thị trường cạnh tranh độc quyền.

Chương 11. Thị trường độc quyền nhóm

Chương 11 trang bị những kiến thức về các đặc điểm của thị trường độc quyền nhóm. Quyết định sản xuất của doanh nghiệp độc quyền nhóm và chiến lược cạnh tranh trong thị trường độc quyền nhóm.

Chương 12. Thị trường các yếu tố sản xuất

Là chương cuối của sách, mô tả tổng quan về thị trường các yếu tố sản xuất. Hiểu thế nào là thị trường lao động, thế nào là thị trường đất đai, các đường cầu về yếu tố sản xuất. Bên cạnh đó, nội dung của chương còn giúp chúng ta hiểu về tác động của quá trình tích lũy vốn kỹ thuật (tư bản phẩm) đối với số cầu của yếu tố sản xuất. NHững nguyên tắc chi phối quyết định khi sử dụng nhiều loại nhập lượng.  

 

Trên đây là toàn bộ 12 chương của giáo trình Kinh tế vi mô, quyển sách rất hay cung cấp những kiến thức nền tảng cho những bạn đam mê nghiên cứu kinh tế và thích quản lý điều hành hoạt động kinh doanh.  

Sách được biên soạn công phu, chi tiết với những điều thật sự bổ ích bởi PGS.TS Nguyễn Minh Đức (chủ biên), TS Trần Xuân Kiêm và cô Đoàn Thị Thúy, sách dày 388 trang, khổ 16 x 24 cm.

Sách hiện có phân phối tại Lầu 2 Khu C, Trung tâm Học Liệu, HungHau Campus.

 

Về chủ biên

 Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức hiện là Hiệu trưởng của trường Đại học Văn Hiến. Ông nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế ứng dụng tại đại học Auburn, Hoa Kỳ vào năm 2007.  

Hướng nghiên cứu chính của PGS.TS Nguyễn Minh Đức là Quản trị doanh nghiệp, Kinh tế quốc tế, Kinh tế vi mô, Phân tích giá và cung cầu, Hành vi khách hàng…

Ngoài công tác quản lý điều hành trường Đại học Văn Hiến, ông còn tham gia giảng dạy các trường khối ngành kinh tế tại TPHCM như: Đại học Kinh tế TPHCM, trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, trường Đại học Mở TPHCM, trường Đại học Ngoại thương TPHCM, trường Đại học Nông Lâm TPHCM, trường Đại học Quốc tế TPHCM, trường Đại học Văn Hiến… Bên cạnh đó, Ông cũng tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo và liên kết quốc tế khác như: Chương trình Cao học Kinh tế phát triển Hà Lan – Việt Nam (Đại học Kinh tế TPHCM), Chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh PGSM (Paris Graduate School of Management) của Đại học Quốc gia TPHCM. Ông trực tiếp tham gia nghiên cứu và đóng góp cho sự phát triển kinh tế du lịch các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và tư vấn cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn.

Chưa dừng lại, PGS.TS Nguyễn Minh Đức tiếp tục tham gia và chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học quốc gia và quốc tê, là tác giả của hơn 10 đầu sách và giáo trình đã xuất bản, hơn 50 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.  

Một số công trình tiêu biểu:

1. Efects of US Antidumping in Perfect and imperfect Competition – The case of Catfish, Nhà xuất bản VDM Verlag Dr. Muller, Germany, 2009.

2. Giáo trình Quản trị doanh nghiệp thủy sản, Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ, 2012.

3. Sản xuất và kinh doanh cá cảnh tại TPHCM, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2013.

4. Kinh tế lượng căn bản, Nhà xuất bản Lao động, 2016.

5.  Thống kê ứng dụng, Nhà xuất bản Kinh tế TPHCM, 2016.  

  • Trường Đại học Văn Hiến